Phần 7 :Quy tắc trong sinh hoạt tại Nhật Bản

Phần 7 :Quy tắc trong sinh hoạt tại Nhật Bản

Số người Việt Nam tới Nhật Bản đang tăng lên. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ quy tắc sinh hoạt và tập quán, toàn bộ người Việt Nam ở đây sẽ bị xã hội Nhật Bản chê cười. Vì những người đồng hương Việt Nam ở Nhật Bản, cũng là vì những thế hệ người Việt Nam tương lai sẽ tới Nhật Bản, hãy sống và tuân thủ các quy tắc xã hội. Đặc biệt, ở Nhật Bản có quy tắc nghiêm ngặt về việc vứt rác, hoàn toàn khác với Việt Nam, vì vậy các bạn hãy chú ý nhé.

Rác

(1) Quy tắc cơ bản khi vứt rác

・Tuân thủ nơi vứt và ngày vứt cho từng loại rác

・Tuân theo các quy định của từng địa phương nơi mình đang sống về việc vứt rác loại gì, ở đâu.
※Nói chung, bạn phải đem rác đi vứt vào buổi sáng ngày thu gom rác loại đó.
※Nếu bạn vứt rác không đúng loại, không đúng ngày thu gom, không đúng nơi quy định thì sẽ không được xe rác nào thu gom.
※Tùy theo địa phương nơi bạn sống mà có thể sẽ phải mua loại túi đựng rác mà địa phương đó quy định để đựng rác trước khi đem vứt.

Về cơ bản, rác được chia làm 3 loại là ① Rác tái chế ② Rác đốt được ③ Rác kim loại, đồ gốm, thủy tinh. Không phải là vứt lúc nào, ở đâu cũng được, mà phải cho vào túi quy định, đem tới nơi quy định, vào ngày quy định mới vứt được. Mỗi địa phương lại có quy định khác nhau về các điểm trên, nên nếu bạn chuyển nhà tới nơi khác, hãy đọc kỹ hướng dẫn vứt rác tại nơi ở mới. Không chỉ dán hướng dẫn đó trên bảng thông báo, nhiều địa phương có gửi vào hòm thư từng nhà.

① Rác tái chế

Giấy cũ như báo, tạp chí
Các loại bao bì thực phẩm bằng nhựa
Vỏ chai
Vỏ lon
Chai nhựa
Vỏ bình xịt, vỏ bình ga du lịch, pin khô

②  Rác đốt được

Rác thực phẩm, sản phẩm bằng nhựa mà không phải các bao bì thực phẩm, dầu ăn (dùng giấy hay bông thấm hút rồi)
Quần áo cũ, tã bỉm giấy
Giấy vụn
Lượng nhỏ cành cây, lá cây
Các sản phẩm cao su vv…

③ Rác kim loại, đồ gốm, thủy tinh

Mảnh vỡ thủy tinh, đồ gốm, dao kéo (gói vào giấy bìa và ghi bên ngoài chữ “Nguy hiểm”)
Đồ điện gia dụng loại nhỏ

〈Các loại rác khác〉

④ Rác cồng kềnh

Là các đồ gia dụng như bàn ghế, hay xe đạp, chăn bông. Khi vứt rác, mà cần tốn tiền xử lý hay tái sử dụng rác đó, có thể bạn cần phải liên lạc trước với địa phương nơi bạn đang sống.

⑤ Đồ điện gia dụng cũ

Ví dụ như điều hòa nhiệt độ, tivi, tủ lạnh, tủ đông, máy giặt, máy sấy quần áo. Bạn cần phải thuê công ty được phép xử lý thu gom.

※Nếu có điều gì không hiểu, bạn hãy hỏi chính quyền địa phương.

(2) Quăng vứt bất hợp pháp (Vứt rác trái luật)

    Dù là bất cứ đâu, nếu không là nơi quy định vứt rác thì không được vứt. Nếu bạn vứt rác tại nơi không trong quy định, có thể sẽ phải chịu hình phạt. Bạn hãy tuân thủ quy định vứt rác của địa phương. Bạn cũng đừng “vứt bừa” như vứt vỏ lon, đầu mẩu thuốc lá ra vệ đường.

〈Blog〉Phân loại rác

Tiếng ồn

Người Nhật luôn có ý thức rằng gây tiếng ồn hay nói to đều là gây phiền tới người khác.

・Bạn hãy chú ý âm lượng lời nói, âm thanh tivi, tiếng nhạc trong phòng tiệc, liên hoan, để không làm phiền tới những người xung quanh.

・Bạn hãy chú ý không gây tiếng ồn, ví dụ như vào buổi sáng sớm không giặt giũ, chạy máy hút bụi, tắm vòi hoa sen v.v…

・Đặc biệt là ở những khu tập thể, chung cư, bạn hãy chú ý không nói to hay gây tiếng ồn.

Nhà vệ sinh

Bồn cầu xả nước của Nhật Bản

・Bạn nhất định phải dùng giấy để sẵn trong nhà vệ sinh.

・Giấy vệ sinh sau khi dùng rồi nhất định phải cho vào bồn cầu xả đi.
※Có một số quốc gia có tập quán vứt giấy vệ sinh vào sọt rác để trong nhà vệ sinh, nhưng ở Nhật nếu dùng giấy để sẵn trong nhà vệ sinh thì rất hiếm khi gây tắc trong bồn cầu.

・Trong nhà vệ sinh của nhà ga hay siêu thị lớn, có rất nhiều loại nút bấm, nhưng nút xả nước thường được ghi là “Xả nước (FLUSH)”.

Sử dụng điện thoại di động

・Vì có thể đâm sầm vào người đi đường khiến họ bị thương, hoặc chính bạn cũng bị thương, nên không được vừa đi vừa nhìn màn hình điện thoại di động.

・Luật pháp nghiêm cấm hành vi vừa lái ô tô hoặc vừa đi xe đạp vừa thao tác điện thoại di động.

Trên tàu điện hay xe buýt

    Tàu điện hay xe buýt là những nơi công cộng, vì vậy bạn hãy chú ý các điểm sau đây:

・Nói to là vi phạm quy tắc ứng xử.

・Nói chuyện điện thoại trên tàu điện hay xe buýt là vi phạm quy tắc ứng xử ở Nhật Bản.

・Nghe nhạc âm lượng lớn cũng là gây phiền hà. Bạn hãy chú ý đừng để tiếng nhạc từ tai nghe lọt ra bên ngoài.

・Khi tàu xe đông người mà bạn vẫn đeo ba lô trên lưng sẽ va đập vào người khác làm phiền họ.

Suối nước nóng, bể tắm nóng

    Tại nơi công cộng như suối nước nóng, bể tắm nước nóng, bạn hãy tuân thủ các quy định như sau.

・Hãy tắm rửa sạch người rồi mới vào bể ngâm.

・Không được nhúng khăn vào bể.

・Không được dùng xà phòng kỳ cọ người, hay dầu gội gội đầu trong bể

・Có suối nước nóng hay bể tắm nước nóng không nhận khách có hình xăm (tattoo) vào tắm

 

 

Sinh hoạt khu phố

(1) Tổ dân phố (Hội tự quản/ Tổ dân phố)

     Ở Nhật Bản, mọi người hướng tới xây dựng khu phố ở đó cư dân tự lập hội tự quản, tổ chức nhiều hoạt động đa dạng để mọi người yên tâm sinh sống thoải mái. Chi phí cho các hoạt động này do các thành viên là cư dân trong khu phố đóng góp.

Các hoạt động chủ yếu

・Diễn tập phòng chống thiên tai như động đất, hỏa hoạn

・Hoạt động bảo vệ trẻ em trên đường tới trường hay từ trường về nhà

・Hoạt động phúc lợi dành cho người cao tuổi và người khuyết tật

・Truyền nhau xem các thông báo từ chính quyền địa phương v.v…

・Tổ chức sự kiện văn hóa hay thể thao nhằm tăng cường mối quan hệ thân thiết trong cộng đồng.

(2) Giao tiếp với hàng xóm

・ Nếu như bạn có các mối giao tiếp với cư dân trong khu phố, ví dụ như chào hỏi hàng ngày, hay tham gia các hoạt động lễ hội, sẽ tránh được các vấn đề mâu thuẫn với những người sống trong cùng khu phố, và còn có thể trao đổi thông tin cần chú ý trong khu phố đó nữa.

・Khi xảy ra thiên tai, còn có thể giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn.

Phòng chống tội phạm

   Để không trở thành nạn nhân các vụ cướp và chọc ghẹo, các bạn hãy chú ý các điểm sau đây:

・Khi ra ngoài, nhất định bạn phải đóng hết các cửa sổ, cửa ra vào, và khóa lại.

・Khi đậu xe ô tô, xe máy, xe đạp đều nhất định phải khóa lại.

・Khi mang theo người đồ quan trọng như ví tiền, hãy luôn nhớ không được để ở nơi mình không trông thấy.

・Có kẻ gian “giật đồ”, chúng đi xe máy hay xe đạp, dí dao từ sau lưng bạn rồi cướp túi ví.

・Buổi đêm, cố gắng tránh đi qua những đoạn đường tối hay ít người qua lại. Nếu bắt buộc phải đi qua đó, bạn hãy đem theo còi báo động.

・Liên quan tới việc phòng chống tội phạm, nếu có điều gì bạn chưa hiểu hay thấy bất an, hãy tới đồn công an gần nhất để xin tư vấn.

lovejapan

lovejapan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *