Kinh nghiệm mở quán ăn ở Nhật Bản
Rất nhiều bạn sau khi sang Nhật sinh sống, học tập, làm việc một thời gian thì muốn kinh doanh, mở quán ăn ở Nhật Bản nhưng không biết về các thủ tục. giấy tờ cần chuẩn bị. Khởi nghiệp kinh doanh là cách rất tốt để bạn có thêm thu nhập, tích lũy thêm kinh nghiệm nhưng để thành công thì cần nhiều yếu tố. Với kinh nghiệm tích lũy được, mình muốn chia sẻ với bạn một số lưu ý dưới đây khi mở quán ăn tại Nhật nhé!
1. Luôn tìm hiểu kỹ lưỡng về Pháp luật Nhật Bản
Một quy định về visa kinh doanh mà rất ít bạn tìm hiểu đó là “Một quán ăn chỉ duy nhất làm được visa đầu tư cho một người”. Sau khi có visa đầu tư, bạn có thể sẽ đưa được gia đình sang Nhật với visa gia đình. Đặc biệt, nếu công ty hoạt động tốt thì có thể bảo lãnh cả đầu bếp Việt Nam và người đi làm sang Nhật dưới diện visa đi làm.
Nhiều bạn cho rằng một nhóm góp cổ phần vào mở chung một quán ăn là sẽ lấy được visa đầu tư cho toàn bộ cổ đông là không chính xác. Theo luật thì chỉ duy nhất 1 người trong các cổ đông được cấp visa đầu tư.
Ngoài ra, nếu bạn muốn được cấp phép hoạt động thì cần người có bằng an toàn vệ sinh thực phẩm. Bằng này bạn có thể đăng ký học và lấy bằng khá đơn giản và nhanh chóng, chỉ mất khoảng 1 ngày.
2. Mặt bằng kinh doanh rất quan trọng
Một kinh nghiệm mà bạn cần lưu ý khi lựa chọn mặt bằng để mở quán ăn hay bất gì cửa hàng, hình thức kinh doanh nào là bạn nên chọn mặt bằng đã có điện nước và ga, không nên chọn mặt bằng trống trơn. Bởi chi phí để bạn làm vách kéo điện, nước và gas sẽ vô cùng tốn kém. Nếu tính chi phí để thi công, bạn sẽ có thể tốn gấp đôi mặt bằng đã có sẵn điện, nước, ga. Chưa kể sau khi đóng cửa quán, bạn sẽ phải tháo dỡ toàn bộ để trả lại mặt bằng trống trơn như khi mới làm, chi phí có thể lên tới vài trăm man.
Một kinh nghiệm khi lựa chọn mặt bằng là nếu có thời gian, bạn nên đến quan sát mặt bằng liên tục trong vòng 1 tuần xem lượng khách qua lại như thế nào. Đồng thời, bạn cũng có nhiều thông tin, nhận định để quyết định có nên thuê mặt bằng hay không.
Một mặt bằng được coi là vị trí đẹp nếu đáp ứng các điều kiện sau:- Gần những khu vực nhiều người qua lại như ga tàu, đường lộ lớn.
– Gần khu vực tập trung nhiều đối tượng khách hàng mà bạn nhắm đến.
– Gần khu vực mà bạn đang sinh sống: Để tiện cho việc theo dõi, quản lý. Hoặc nếu ở xa thì bạn cần có người quản lý thay cho bạn vì nghề quản lý nhà hàng, quán ăn luôn luôn phải đi sớm, về khuya, sẽ rất bất tiện nếu bạn ở xa.
3. Chọn menu và món ăn
Menu được ví như “xương sống” của quán ăn. Bạn hãy lưu ý rằng, những món bạn cảm thấy ngon nhưng khách hàng chưa chắc đã thích. Hãy tìm cho mình một phong cách thẩm thực riêng để tạo ấn tượng so với thị trường kinh doanh ẩm thực bão hòa như hiện tại.
Bạn có thể bắt đầu bằng một món nào đó là sở trường, đặc biệt và dễ gây ấn tượng. Bởi khách hàng có khi chỉ ấn tượng với quán nhờ một món ăn nào đó.
4. Chọn đối tác làm chung
Người làm chung nghĩa là người cùng hùn vốn, cùng làm với bạn. Người làm cùng bạn có thể không giỏi nấu nướng nhưng nhất định là phải “biết thưởng thức” để phân biệt ngon dở, để nhận biết được tay nghề nấu ăn của đầu bếp hoặc đơn giản là để chọn nguyên liệu nấu nướng.
5. Nguyên tắc đơn giản định giá bán món ăn khi mở tiệm ăn ở Nhật
Khi bạn kinh doanh nhà hàng, quán ăn ở Nhật, doanh thu sẽ được tính như sau:Nguyên tắc 1:4
Tổng doanh thu bán hàng của quán sẽ được phân chia như sau:
– Các chi phí cố định như tiền nhà, điện, nước, gas,…: Chiếm ¼.
– Tiền nguyên vật liệu rượu bia và các chi phí tiêu hao khác như chi phí mua nước rửa bát, khăn giấy, công cụ dụng cụ nấu nướng,…: Chiếm ¼,
– Lương của nhân viên: Chiếm ¼.
– Tiền lãi của bạn: Chiếm gần ¼.
6. Một số lưu ý cơ bản khi mở quán ăn tại Nhật
Để mở nhà hàng hay quán ăn ở Nhật, bạn cần lưu ý các tiêu chuẩn sau:- Diện tích: Không cần quá rộng nhưng cũng không nên quá nhỏ, bởi nếu diện tích quá hẹp bạn sẽ không được cấp phép.
– Chất liệu sàn nhà: Nên dùng gạch men, các chất liệu khác thì cần dễ thấm nước và lau chùi, đặc biệt không nên dùng sàn gỗ cho bếp vì thường xuyên phải cọ rửa, sẽ rất bất tiện và nhanh hỏng, sàn gỗ chỉ nên dùng phục vụ thực khách.
– Tường bên trong: Cũng nên lựa chọn chất liệu chống thấm nước, dễ lau chùi.
– Ánh sáng bên trong: nên lớn hơn 50 lux, đặc biệt là khu vực cho nhân viên để đảm bảo dễ dàng quan sát và làm việc.
– Thông gió: Trang bị quạt thông gió có màn sập.
– Trang thiết bị bảo quản thực phẩm: Cần có đủ tủ đựng chén bát, tủ lạnh, vòi nước nóng, lạnh.
– Trang thiết bị vệ sinh: Ít nhất 1 bồn rửa hai ngăn.
– Nhà vệ sinh: Không được để nhà vệ sinh cạnh bếp, nhà vệ sinh cần có bồn rửa tay riêng.
– Bồn rửa tay: Có ít nhất 1 bồn rửa tay riêng cho nhân viên.
Trên đây là một số kinh nghiệm mở quán ăn mà mình muốn chia sẻ. Kinh doanh là một cách khá thú vị để vừa giúp bạn tăng thu nhập, vừa giúp bạn tích lũy thêm kinh nghiệm và có nhiều trải nghiệm, bạn có thể tham khảo, chúc bạn thành công!
Để xin visa này – xin liên hệ đơn vị uy tín tại đây