Phần 8: Tìm việc làm thêm ở Nhật Bản

Phần 8: Tìm việc làm thêm ở Nhật Bản

     Rất nhiều du học sinh phải làm thêm để trang trải tiền học và sinh hoạt phí. Có một số điểm quan trọng khi tìm việc làm thêm. Xin giới thiệu cách tìm việc làm thêm đơn giản – an toàn, bí quyết tìm việc làm thêm mà không sợ bị thất bại. Ngoài ra, chúng tôi cũng chia sẻ những điểm cần lưu ý khi đi làm thêm.

Giấy cho phép làm thêm

      Du học sinh người nước ngoài ở Nhật Bản có thể đi làm thêm nếu có giấy phép đi làm thêm. Bạn hãy nộp “Đơn xin phép đi làm thêm” kèm với Thẻ cư trú cho Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh – hoặc chi nhánh để xin phép.

Năng lực tiếng Nhật và nội dung công việc

     Tùy theo trình độ tiếng Nhật (đặc biệt là khả năng hội thoại), mà nội dung công việc bạn có thể làm sẽ khác nhau. Trình độ tiếng Nhật càng cao thì bạn có thể làm những công việc có giao tiếp nhiều, và tiếng Nhật sẽ càng giỏi hơn. 

【N5~N4】
・Nhà máy, trung tâm lưu chuyển hàng hóa, gia công thực phẩm, vệ sinh, bếp của các quán ăn. ※ Nếu khả năng giao tiếp kém (kỹ năng nghe, nói) thì bạn sẽ không hiểu lời của nhân viên người Nhật nói, bạn sẽ chỉ làm được công việc chân tay.

【N3~N2】
・Nếu bạn học chắc tiếng Nhật, đạt trình độ N3~ N2 thì có thể làm những công việc sử dụng tiếng Nhật như ở cửa hàng tiện lợi (thu ngân), hay là quầy giao dịch của các quán hàng ăn uống (tiếp khách, thu ngân).

【N2~N1】
・Nếu bạn đạt tới trình độ cao hơn nữa, như N2 ~ N1 thì có thể làm được cả những công việc như nghiệp vụ ở sảnh tiếp tân của khách sạn, hay kinh doanh bán hàng.

Cách tìm việc làm thêm

(1) Do trường giới thiệu, theo bảng thông báo của trường

Rất nhiều trường tiếp nhận du học sinh (trường đại học, trường dạy nghề, trường tiếng) giới thiệu việc làm thêm cho du học sinh của trường mình. Nơi để bạn trao đổi về việc này là Khoa đời sống sinh viên. Nếu là những doanh nghiệp liên kết với trường, họ sẽ hiểu rõ về du học sinh và khả năng tuyển dụng sẽ cao. Hơn nữa, nếu là doanh nghiệp do trường mình giới thiệu, họ sẽ lưu tâm đến các hoạt động trường lớp học tập của du học sinh sao cho không bị xáo trộn. (Tuy nhiên, nếu được giới thiệu từ một trường có vấn đề, thì sẽ không được như vậy)

 (2) Các anh chị khóa trên, bạn bè, người quen giới thiệu cho

Khi tìm việc làm thêm, vẫn phải nói tới một nguồn vô cùng hiệu quả là sự giới thiệu của các anh chị khóa trên và bạn bè. Ở các quán hàng ăn uống, khách sạn, cửa hàng tiện lợi có rất nhiều nhân viên chính thức và nhân viên làm thêm là người Việt Nam. Vì vậy, nếu bạn nhờ họ giới thiệu cho mình thì rất dễ được tuyển vào. Ở những quán nhậu hay siêu thị, nếu hỏi “Anh/Chị làm thế nào tìm được việc ở đây thế?” thì hầu hết câu trả lời đều là “Tôi được bạn tôi giới thiệu”.

 (3) Tham gia cộng đồng người Việt

     Nhóm Facebook của người Việt Nam sống tại Nhật Bản, vùng miền nào trên toàn quốc cũng có. Bạn hãy tham gia vào nhóm Facebook của những người sống tại địa phương của bạn, và tìm thông tin tuyển người ở trên đó. Tokyo, Nagoya, Osaka vv… đều có nhóm FB.

(4) Hello Work

Ở Nhật Bản, có Cơ quan bình ổn việc làm công cộng (Hello Work), do nhà nước điều hành. Công việc làm thêm do Hello Work giới thiệu thường là những công việc an toàn hơn những nơi khác. Bạn cũng có thể tìm thông tin tuyển người trên website của Hello Work, nhưng trong thời gian bạn chưa quen ở Nhật Bản, bạn hãy tới các văn phòng Hello Work ở các địa phương và trao đổi xin tư vấn của người phụ trách ở đó.

Văn phòng Hello Work trên toàn quốc

 (5) Trang chủ của các công ty nhân lực

Trên trang chủ của các công ty tư nhân chuyên giới thiệu nhân lực cũng có thông tin tuyển người cho đối tượng là du học sinh người nước ngoài. Cũng có khi thông tin được đăng tải bằng tiếng nước ngoài.

Hướng dẫn tuyển người thu ngân- siêu thị

indeed 「tìm:indeed」

MPKEN

TOWN WORK

(6) Tạp chí đăng tin tuyển người miễn phí

Ở trong các tạp chí đăng tin tuyển người miễn phí (Town Work) đặt ở các nhà ga hay cửa hàng tiện lợi cũng có nhiều thông tin về việc làm thêm. Những thế hệ du học sinh trước đây, khi internet chưa phổ biến, đã tìm thông tin tuyển người từ những cuốn tạp chí này và gọi điện tới nơi tuyển dụng.

 (7) Bảng thông báo ở các nơi làm việc

Các bạn để ý sẽ thấy hay có những bảng thông báo “Tuyển người làm thêm” ở cửa hàng tiện lợi, siêu thị, cửa vào khách sạn, tường cửa hàng ăn uống. Các bạn hãy gọi điện đến số điện thoại ghi trên đó, hoặc hỏi nhân viên đang làm việc ở cửa hàng đó.

Các điểm lưu ý khi tìm việc làm thêm

    Khi tìm việc làm, đừng nên chỉ nhìn tới số tiền lương theo giờ, mà hãy cân nhắc một cách bao quát với các nội dung như sau:

・Thời gian từ nhà hay trường tới chỗ làm, phương tiện đi lại, ga tàu
・Buổi làm, thời gian làm (có mất sức không, có đảm bảo vừa học vừa làm không)
・Lương theo giờ
・Nội dung công việc

Nếu chỉ quan tâm đến mỗi số tiền lương giờ mà đi làm ở nơi xa, hay là ngày nào cũng làm ca đêm từ nửa đêm tới sáng, thì bạn sẽ mất hết sức vào việc làm thêm đó, học hành sẽ bị bỏ bê xáo trộn. Như vậy thì dù có mất công tới Nhật Bản, sau này khi về nước, tiếng Nhật của bạn vẫn không thể nhập tâm và tiến bộ. Hơn nữa, còn có những việc làm thêm gọi là “việc đen” mà bạn không được trả tiền làm ngoài giờ. Khi tìm việc làm thêm, hãy cân nhắc thận trọng cả 2 mặt, là tính an toàn và việc học tập, rồi hãy chọn.

Tùy theo khả năng giao tiếp mà việc làm thêm sẽ khác nhau. Khi bạn vừa mới tới Nhật Bản, có các công việc phân chia hàng hóa (nhà kho) hay việc ở trong bếp của các quán hàng ăn uống, bạn chỉ có thể tìm được những việc mà dù không nói được tiếng Nhật nhiều lắm vẫn có thể làm được. Tuy nhiên, khi bạn học và dần dần nói được tiếng Nhật thì hãy tìm những công việc giao tiếp với khách hàng (thu ngân ở cửa hàng tiện lợi hay siêu thị, sảnh tiếp tân của các quán hàng ăn uống). Khi có nhiều cơ hội nói tiếng Nhật trong công việc, tiếng Nhật của bạn sẽ giỏi lên. Hơn nữa, điểm quan trọng là có nhiều cơ hội để nói tiếng Nhật với cấp trên hay nhân viên người Nhật hay không.  

Mức lương nói chung và giới hạn thời gian làm việc

    Vì quy định chỉ cho phép du học sinh làm thêm tối đa mỗi tuần 28 tiếng (trong kỳ nghỉ dài của trường học thì được làm tối đa 40 tiếng) nên một tháng tối đa chỉ làm được khoảng 120 tiếng. Nhân số giờ này với tiền công tối thiểu 1 giờ – do luật pháp Nhật Bản quy định (có khác nhau ở mỗi tỉnh trong cả nước) – sẽ ra tiền làm thêm của 1 tháng. Ví dụ, tiền công tối thiểu 1 giờ, theo quy định ở tỉnh Aichi, là 926 yên, nhân với 120 tiếng sẽ là 111.120 yên. Từ số tiền này còn phải trừ đi các khoản thuế nữa.

Tiền công tối thiểu 1 giờ theo tỉnh

    Hơn nữa, rất nhiều tỉnh có mức tiền công tối thiểu một giờ rẻ hơn quy định của tỉnh Aichi, nên thu nhập thực tế vào tay của du học sinh mỗi tháng hầu như không tới 100.000 yên. Nếu bạn định vay thật nhiều tiền để đi Nhật, vừa đi học vừa tiết kiệm tiền trả nợ thì chắc chắn bạn sẽ làm việc với thời gian quá mức luật pháp quy định. Làm như vậy sẽ không chuyên tâm học tập, và vi phạm pháp luật, sẽ rất khó xin gia hạn thời gian lưu trú, chỉ trong một thời gian ngắn đã bị buộc phải về nước.

Câu chuyện trải nghiệm của anh/chị thế hệ trước vì làm quá số giờ làm thêm được phép mà bị đuổi về nước, và phải bỏ học đại học giữa chừng.

     Ngày càng có nhiều trường hợp bị phát hiện vi phạm làm quá số giờ pháp luật quy định từ 1 năm trước, bất kể bạn đó đã được nhận vào trường học hay công ty ở Nhật Bản thì cũng đều không xin gia hạn thời gian lưu trú được, buộc phải về nước. Vì cơ quan hành chính quản lý chặt chẽ toàn bộ thông tin cá nhân của bạn (thông tin về tư cách lưu trú, về các khoản thuế đã nộp vv…) qua số cá nhân my-number của bạn, nên họ có thể tính toán ra hết tổng số giờ bạn đi làm thêm, mặc dù bạn có phân tán tiền lương ra làm nhiều phần, làm ở nhiều chỗ làm khác nhau, mở nhiều tài khoản, hay nhận lương tay bằng tiền mặt.

     Trong thời gian du học, bạn hãy chuyên tâm vào học tập, khi nào đi làm rồi mới kiếm tiền. ▽ Hạn chế đến mức tối đa việc đi vay tiền để đi Nhật ▽ Để làm được điều này, bạn hãy đọc các câu chuyện trải nghiệm của những anh chị đi trước, thu thập thông tin… Đó là điều quan trọng nhất.

Bí quyết khi đi phỏng vấn

Và sau đây, chúng tôi xin giới thiệu bí quyết khi đi phỏng vấn xin việc làm thêm. Bạn hãy chuẩn bị từ trước, luyện tập, rồi hãy tới buổi phỏng vấn.

【Trang phục】

Người phỏng vấn sẽ nhìn xem “Anh/chị này có thể làm việc chỉn chu được không?” Họ không chỉ nhìn vào câu trả lời của bạn, mà còn đánh giá trang phục và toàn bộ con người của bạn. Điều quan trọng cho trang phục khi đi phỏng vấn là phải tạo ấn tượng nghiêm túc. Bạn hãy chọn bộ trang phục đơn giản, sạch sẽ.

【Đầu tóc】

Kiểu tóc nên để như thế nào? Nam thì tóc mái không dài quá mắt, gọn gàng sạch sẽ sẽ tạo được ấn tượng tốt. Nữ thì buộc ngay ngắn nếu là tóc dài.

【Động cơ nguyện vọng】

Điểm nhấn khi trình bày về động cơ và nguyện vọng là gì? Với những lý do “Vì đây là cửa hàng mà tôi thích”, “Vì tôi muốn thử làm công việc này” thì bạn nên nói cụ thể vì sao thích, vì sao muốn làm thử. Với lý do “Vì gần nhà tôi”, nếu bạn giải thích cho có lợi cho phía tuyển dụng thì sẽ tạo được ấn tượng tốt hơn. Ví dụ như “Vì chỗ làm gần nhà nên tôi có thể linh động nhận ca làm hơn”.

【Đồ cần đem theo】

Để phòng khi cần đến, bạn nên đem theo sơ yếu lý lịch, hộ chiếu, thẻ cư trú, thẻ sinh viên, giấy phép đi làm thêm. Bạn hãy rà soát để không khai sót các nội dung trên sơ yếu lý lịch.

【Đến sớm hơn giờ hẹn】

Bạn hãy tra sẵn từ trước cách đi từ nhà tới nơi phỏng vấn và thời gian đi lại. Vào ngày đi phỏng vấn, bạn hãy rời nhà sớm, sao cho tới nơi sớm hơn giờ hẹn 5- 10 phút. Tuy nhiên, nếu bạn đến quá sớm có thể sẽ gây phiền hà cho họ.

Ai cũng lo lắng trong lần đi làm thêm đầu tiên, nhưng nếu bạn chuẩn bị kỹ càng từ trước, sẽ đỡ cảm thấy bất an, vì vậy, bạn nên thử thực hiện như vậy. Bạn cũng nên lường trước các câu hỏi có thể có về động cơ nguyện vọng hay về phần tự giới thiệu bản thân, và chuẩn bị sẵn câu trả lời. Kể cả khi bạn căng thẳng và mọi việc không diễn ra như đã chuẩn bị trước, nếu thể hiện thái độ cố gắng nỗ lực, chắc chắn người phỏng vấn bạn cũng hiểu cho.

lovejapan

lovejapan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *