XIN GIẤY PHÉP ĐI LÀM THÊM
Việc làm thêm
Điều kiện và xin giấy phép làm thêm của Du học sinh
Có không ít du học sinh người nước ngoài phải vừa học vừa làm để có thể có thêm tiền trang trải học phí cũng như sinh hoạt phí. Tuy nhiên với tư cách lưu trú “du học”, theo nguyên tắc là sẽ bị cấm đi làm thêm. Theo đó nếu muốn đi làm thêm bạn phải nhận được sự cho phép của Cục quản lý nhập cảnh. Ngoài ra, bạn không được vi phạm những quy định được đặt ra.
Trước hết hãy xin “Giấy phép đi làm thêm”
Trước khi đi làm thêm, bạn cần xin cấp “Giấy phép đi làm thêm”. Nếu đã nhận được giấy phép, giấy phép vẫn có hiệu lực dù bạn có thay đổi chỗ làm. Ngoài ra, khi bạn đi xin kéo dài thời hạn lưu trú, bạn có thể đồng thời xin cấp “Giấy phép đi làm thêm” mới. Những giấy tờ cần thiết khi xin cấp bao gồm: hộ chiếu (chỉ cần trình diện), đơn xin cấp giấy phép đi làm thêm (có để sẵn ở Cục quản lý nhập cảnh). Bạn được miễn phí khi xin giấy phép này.
Điều kiện để làm thêm (1) Về thời gian
Theo nguyên tắc, những người mang tư cách lưu trú “du học” nếu được cấp giấy phép đi làm thêm thì cũng phải tuân thủ quy định về thời gian đi làm như sau:
Không quá 28 tiếng 1 tuần. Trong những kì nghỉ dài ngày thì làm không quá 8 tiếng 1 ngày.
Điều kiện để làm thêm (2) Về nội dung công việc
Trong khung thời gian đã được quy định, bạn cũng không được làm việc ở những tụ điểm kinh doanh không lành mạnh. Những tụ điểm như quán bar, snack (là những nơi phải ngồi cùng để tiếp khách) như , những công việc có liên quan đến tình dục, những tụ điểm cờ bạc như các tiệm pachinko, mạt chược. Các công việc như lau chùi dọn dẹp rửa chén bát ở những nơi này cũng bị cấm.
Những điều cần lưu ý khi đi làm thêm
Hãy ghi chép và giữ lại những nội dung về công việc
Khi đi làm thêm, nếu nhận được hợp đồng lao động từ người chủ thì tốt, tuy nhiên tại Nhật thường không có các thủ tục như vậy.
Khi bạn đi phỏng vấn xin việc, hãy nhờ người phỏng vấn chép lại những nội dung như ngày làm việc, thời gian làm việc, tiền lương, ngày trả lương, tên và số điện thoại của người đảm trách việc tuyển người…. bằng cách nói “tôi sợ sẽ nhầm do tiếng Nhật còn có hạn”. Nếu như người đó không viết hộ thì bạn phải tự viết lại và nhờ người đó xác nhận lại. Việc lưu lại những ghi chép này nhằm tránh những hiểu lầm hay các vấn đề về sau.
Nếu tìm việc trên báo hoặc tạp chí, hãy cắt phần nội dung tìm việc đó ra và lưu giữ lại.
Ghi chép lại số tiền đã nhận được và thời gian làm việc
Khi nhận được giấy báo trả lương, hãy cất giữ cẩn thận.
Để tránh trường hợp tiền lương không được trả, bạn hãy ghi chép đầy đủ ngày, giờ làm việc cũng như số tiền lương đã được nhận.
Không tự ý nghỉ làm hoặc đi muộn
Cho dù là đi làm thêm, bạn tuyệt đối không được đi trễ hay nghỉ làm mà không gọi điện báo trước. Vậy nên hãy liên lạc từ trước với người ở chỗ làm.
Cách tìm việc làm thêm
Qua giới thiệu của phòng hướng dẫn sinh hoạt của học sinh của trường học
Tại nhiều trường, phòng hướng dẫn sinh hoạt của sinh viên, phòng phúc lợi hay Tổ chức hỗ trợ sinh hoạt sinh viên (Seikyo) thường hay giới thiệu việc làm thêm cho sinh viên. Hãy đến liên hệ trực tiếp với các đơn vị trên.
Khi có vấn đề ở chỗ làm thêm
Cùng với con số du học sinh đi làm thêm ngày càng tăng lên, những vụ việc như bị thương khi đi làm hay việc không được nhận đủ lương như đã hẹn cũng tăng dần. Nếu có vấn đề phát sinh ở chỗ làm, trước hết hãy bình tĩnh nói chuyện với người có trách nhiệm ở chỗ làm. Nếu nói chuyện rồi mà cũng không giải quyết được thì hãy tìm tư vấn từ những cơ quan hữu trách.
Nếu xảy ra tai nạn khi đi làm thêm
Khi gặp tai nạn trên đường đi (hoặc về) khi đi làm hoặc tai nạn trong giờ làm, bạn có thể được bồi thường theo luật bảo hiểm tai nạn lao động. Người nước ngoài cũng được áp dụng luật này như người Nhật.
Nếu xảy ra tai nạn tại chỗ làm, hãy báo ngay cho người quản lý và đi chữa trị. Nếu bị tai nạn trên đường đi (hoặc về) khi đi làm, cùng với việc đi chữa trị thì hãy báo ngay cho cảnh sát. Những việc cần làm sẽ được bàn đến sau khi chữa trị. Nếu bạn không được chữa trị do người quản lý chỗ làm không hiểu về chuyện này kỹ càng, hay là việc bạn không được bồi thường thì hãy đến nhờ các cơ quan hữu trách tư vấn.
Những cơ quan hữu trách có thể tư vấn khi gặp vấn đề
Những cơ quan như phòng tư vấn lao động hoặc phòng chính sách lao động của Sở Kinh tế Lao động của các tỉnh thành sẽ hỗ trợ giải quyết khi mà có các vấn đề không thể tự hòa giải được giữa người chủ và người lao động xảy ra. Hãy liên hệ đến những nơi này nếu gặp các vấn đề như là không được trả đủ tiền lương.
Nếu ở Tokyo, trung tâm tư vấn thông tin lao động nhận tư vấn trong giờ làm việc các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần.
http://www.hataraku.metro.tokyo.jp/soudan-c/center/e/
Về tiền thuế
Khi nhận tiền lương làm thêm, có trường hợp bạn sẽ bị trừ thuế thu nhập. Có sự khác nhau rất lớn về chế độ thuế của từng quốc gia và thể chế xã hội. Dưới đây chúng tôi xin giải thích một cách khái quát về chế độ thuế của Nhật Bản.
Có 2 loại thuế liên quan đến việc làm thêm là thuế nhà nước và thuế địa phương
Tiền thuế bị trừ ở tiền lương làm thêm là 1 loại thuế nhà nước gọi là thuế thu nhập. Cửa hàng hoặc công ty nơi bạn làm thêm sẽ thay bạn nộp tiền thuế này cho cơ quan thuế. Số tiền phải nộp thuế thu nhập khác nhau tùy theo tiền lương, ví dụ tiền phiên dịch bị khấu trừ 10% tổng số tiền nhận được (đối với người lưu trú trên 1 năm tại Nhật). Đối với những người ở Nhật dưới 1 năm hoặc nhận tiền lương 1 lần vượt qua 1.000.000 yên sẽ bị khấu trừ 20% tổng số tiền nhận được vào tiền phải đóng thuế.
Tổng số tiền nộp thuế thu nhập của bạn sẽ được gửi đến cơ quan chức năng ở địa phương nơi bạn sinh sống và dựa vào số tiền đã nộp thuế đó các cơ quan chức năng địa phương sẽ tính số tiền thuế ở địa phương mà bạn phải nộp.
Thuế nhà nước được quyết định dựa vào tổng thu nhập cả năm (từ tháng 1 đến tháng 12).
Số tiền thuế thu nhập nộp cho nhà nước được trừ trực tiếp vào mỗi lần trả lương, tuy nhiên dựa vào tổng số tiền thu nhập 1 năm của mỗi cá nhân mà số tiền thuế cuối cùng phải nộp sẽ được quyết định. Vì vậy từ 16/2 đến 15/3 hàng năm, bạn sẽ phải gửi báo cáo kê khai xem số tiền thuế thực tế phải nộp dựa trên số tiền phải chịu thuế (tổng thu nhập trừ đi tổng chi phí), vượt quá hay chưa vượt quá số tiền thuế đã nộp do khấu trừ trực tiếp từ tiền lương, và dựa vào đó để quyết định số tiền thuế cuối cùng phải nộp. Nếu theo kê khai mà số tiền thuế đã trả vượt quá số tiền thuế thực tế phải trả thì bạn sẽ được hoàn trả.
Hãy làm thủ tục kê khai thuế tại cơ quan thuế địa phương trong thời gian từ 16/2 đến 15/3 hàng năm
Việc thực hiện kê khai thuế được tiến hành tại các cơ quan thuế hữu trách tại địa phương. Nếu không biết cơ quan thuế nằm ở đâu, hãy đến hỏi văn phòng của thành phố hay quận huyện nơi bạn sinh sống. Cách kê khai như sau: Đến cơ quan thuế và nhận phiếu kê khai thuế thu nhập, điền đầy đủ thông tin và nộp. Nếu là lần đầu tiên đi kê khai hoặc không hiểu cách điền thông tin, hãy mang giấy khấu trừ thu nhập (là giấy được phát bởi chỗ làm) đến cơ quan thuế để được hướng dẫn.